01/07/2024
Lượt xem: 281
Nghiên cứu phát triển que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease - AHPND) trên tôm nuôi ở Tây Nam Bộ
Hoại tử gan tụy cấp (AHPND) là bệnh nguy hiểm trên tôm với tỷ lệ chết lên đến 100%, gây ra bởi Vibrio parahaemolyticus mang plasmid mã hóa hai độc tố ToxA, ToxB. Ở Việt Nam, AHPND là bệnh gây thiệt hại lớn nhất. Hiện nay, các phương pháp phát AHPND chưa đáp ứng được nhu cầu chẩn đoán nhanh tại thực địa.

Phương pháp que thử miễn dịch dựa trên tương tác kháng nguyên - kháng thể có tiềm năng lớn nhưng chưa được phát triển. Bước đầu để phát triển que thử là sản xuất được nguồn kháng thể kháng độc tố gây bệnh. Từ thực tế trên, PGS.TS. Trần Văn Hiếu và các cộng sự tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease - AHPND) trên tôm nuôi ở Tây Nam Bộ” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021.
Mục tiêu của đề tài là phân lập chủng V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND trên tôm nuôi vùng Tây Nam Bộ; tạo dòng, biểu hiện, tinh sạch độc tố tái tổ hợp ToxA, ToxB của V. parahaemolyticus; tạo kháng thể kháng độc tố tái tổ hợp ToxA, ToxB; tạo que thử phát hiện nhanh độc tố ToxA, ToxB của V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND; đánh giá độ đặc hiệu và độ nhạy của que thử trên mẫu tôm bệnh; và tập huấn chuyển giao công nghệ cho các đơn vị vùng Tây Nam Bộ.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành tạo độc tố tái tổ hợp ToxA và ToxB bằng kĩ thuật gen. Sau đó, họ đã gây đáp ứng miễn dịch trên thỏ với hai độc tố tái tổ hợp. Kháng thể tạo ra được tiến hành các đánh giá miễn dịch. Kết quả cho thấy, độc tố tái tổ hợp ToxA và ToxB có độ tinh sạch đều trên 90%. Hai loại kháng thể kháng ToxA và ToxB có hiệu giá (hay còn gọi là độ pha loãng) đạt trên 1/5.120.000 khi thực hiện ELISA gián tiếp. Kháng thể có ngưỡng phát hiện độc tố tự nhiên lần lượt là 50ng ToxA và 25ng ToxB. Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành tạo que thử giúp phát hiện nhanh AHPND trên tôm. Kết quả xác định độ nhạy của que thử đối với độc tố ToxA, ToxB cho thấy kháng thể kháng các độc tố cho phản ứng dương tính với 500 ng Tox với hàm lượng gắn trên màng que thử là 0,5 - 1 - 2 μg/que thử, trong đó lượng kháng thể - hạt nano sử dụng là 5 μl. Tuy nhiên, để có tín hiệu rõ nét và tối ưu lượng sinh phẩm sử dụng, các tác giả đã lựa chọn lượng kháng thể cố định là 1 μg/que thử.
Do chưa có bất kì sản phẩm que thử nào cho bệnh AHPND do Vibrio parahaemolyticus gây ra cả trên thế giới và ở Việt Nam nên kết quả của đề tài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội vô cùng to lớn cho các tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, việc chẩn đoán sớm từ thực địa (ao nuôi) giúp nông dân chủ động hơn trong việc phòng tránh và điều trị kịp thời bệnh, góp phần hiệu quả vào sự phát triển kinh tế của hộ nông dân cũng như địa phương sở tại.
(Tổng hợp từ: https://www.vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-phat-trien-que-thu-phat-hien-nhanh-hai-doc-to-toxa-va-toxb-cua-vi-khuan-vibrio-parahaemolyticus-gay-benh-hoai-tu-gan-tuy-cap-acute-hepatopancreatic-necrosis-disease-ahpnd-tren-tom-nuoi-o-tay-nam-bo-8861.htmll)
Nguyễn Phạm Thu Hiền